Y tế học đường 18/06/2015 01:44:49

Tìm hiểu về dịch bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết, làm gì với "thủ phạm" muỗi vằn?

Sốt xuất huyết diễn biến khác thườngTuy là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, nhưng may mắn là virus Dengue gây bệnh SXH lại không lan truyền qua đường thông thường như nhiều bệnh do virus khác, mà phải qua trung gian loài muỗi vằn (Ades aegypty) mới truyền bệnh được.

Sơ đồ hoành hành

Cơ chế lan truyền theo sơ đồ:...người bệnh (nhiễm virus Dengue) --> bị muỗi vằn (Aedes aegypty) chích hút máu, trở thành muỗi mang mầm bệnh--> muỗi chích hút máu người mạnh và truyền virus --> trở thành người bệnh… Qua đó cho thấy, nếu ta không bị muỗi vằn có mang virus Dengue đốt và truyền virus đó sang thì sẽ khó mà bị bệnh SXH được.

Như vậy, tuy muỗi vằn chỉ là “kẻ thù gián tiếp” nhưng lại có tính quyết định sự phát triển của tình hình dịch bệnh SXH từ trước đến nay. Điều đó đã được các nhà chuyên môn nghiên cứu, xác định.

Và họ còn ghi nhận được những đặc điểm quan trọng của loài muỗi Aedes aegypty này, như chúng vốn có cuộc sống gần như gắn liền với sinh hoạt của con người, từ nơi sinh sản đến tập tính chích hút máu, trú đậu, lan truyền bệnh… Đặc biệt chúng cũng có khả năng di chuyển đến những nơi an toàn, những nơi có con mồi “khoái khẩu” nên lan truyền dịch bệnh rất nhanh.

Cụ thể ta cần chú ý những đặc điểm sau:

- Muỗi SXH rất tinh ranh, nhanh nhẹn, thường bay lượn quan sát chỗ người lớn hay trẻ em sinh hoạt vui chơi. Khi đã có thời cơ, sẵn sàng đáp xuống chích hút máu ngay, rồi bay đi rất nhanh, vì chúng không rình mồi, không gây mê khi chích hút như nhiều loại muỗi khác.

- Muỗi SXH hoạt động tìm mồi suốt ngày, nhưng thường hoạt động tích cực vào sáng sớm và chiều mát, khi không khí vừa mát mẻ vừa ấm áp, độ ẩm thích hợp và nó chỉ đậu nghỉ khi đã no máu hoặc vào ban đêm.

Chúng tìm mồi, chích hút máu người trong nhà hoặc ngoài hàng hiên nhà, trú đậu tiêu máu trong nhà, chưa thấy muỗi tìm mồi đốt người và trú đậu ngoài nhà. Nơi muỗi SXH trú đậu thường có ánh sáng trung bình (không quá sáng cũng không quá tối) kín gió hay gió nhẹ, ấm áp, có đồ ẩm thích hợp, thường đậu trên rìa mép chăn màng, quần áo treo máng.

Đặc biệt chúng rất thích đậu nghỉ trên các loại vải có màu tối đậm, có nhiều lông tơ mịn như vải len chẳng hạn, và cũng thích trú đậu trên quần áo đã mặc rồi có mùi mồ hôi chưa kịp giặt giũ…

- Một đặc điểm rất riêng khá nguy hiểm, có ý nghĩa về mặt dịch tễ học và có vai trò quan trọng quyết định trong việc lan truyền bệnh và gây thành dịch SXH: là tính thích hút nhiều loại máu của nhiều người trong mỗi chu kỳ sinh thực, nhất là người lạ từ nơi khác đến.

Tập tính này buộc muỗi bay sang nhà khác tìm người có máu lạ để chích hút, có thể xa đến hàng trăm mét, từ đó mầm bệnh lan truyền nhanh từ người bệnh sang người mạnh, từ vùng có bệnh sang vùng an toàn.

Mật độ muỗi Aedes aegypty trong mỗi hộ gia đình, đặc biệt là trong vùng dịch (vào đầu và cuối mùa mưa hoặc những thời kỳ nắng nóng trong mùa mưa) thường rất cao, chính áp lực mật số cao cũng buộc chúng phải phân tán tìm mồi và gieo rắc mầm bệnh, nên khả năng bùng phát bệnh, gây dịch bất ngờ cho giới chuyên môn là điều dễ hiểu.

- Một đặc điểm khác là muỗi SXH chỉ đẻ ở các vật chứa nước sạch có sẵn trong nhà và xung quanh ngoài nhà, chưa thấy tài liệu nào ghi nhận nó đẻ nơi nước dơ bẩn do tù động. Đây là đặc điểm cần lưu ý trong chỉ đạo diệt lăng quăng.

Chỉ có thể chống chọi

Những điều đã được ghi nhận nêu trên cho thấy, để không có loài muỗi này thì quả là vô cùng khó khăn. Chúng ta không mong muốn một biện pháp tiêu diệt được muỗi vằn một cách triệt để, vì điều đó là không thể có, mà chỉ cần diệt được một vài thế hệ trong mùa dịch, khi chúng đang có mang mầm bệnh là virus Dengue các túyp, và mong khống chế được mật số muỗi ở mức hợp lý, thì cũng có khả năng ngăn bệnh SXH không phát thành dịch lớn được, nhưng điều đó cũng không dễ dàng gì.

Theo đó khẩu hiệu cho phòng chống SXH cần phải chỉ rõ ràng, phải nêu đích danh chính là do con muỗi vằn truyền bệnh SXH, chứ không nên nêu một cách lơ mơ là do con lăng quăng, do con virus vô hình nào đâu đó, sẽ làm cho người dân không nhận ra kẻ thù trực tiếp để quyết tâm tiêu diệt hay phòng tránh, sẽ không ngăn chặn, không cho chúng tiếp xúc bằng mọi cách!

Vì vậy, biện pháp tốt nhất để phòng tránh dịch bệnh SXH là ngoài chuyện phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng cách, khoanh vùng dập dịch kịp thời, thì quan trọng hơn là cần phải ngăn chặn muỗi tiếp xúc người - nhất là đối với những con muỗi già chứa đầy mầm bệnh nguy hiểm - bằng cách tuyên truyền sao cho mỗi người dân tự ý thức và tích cực diệt muỗi mọi lúc, mọi nơi, chứ không chỉ có diệt lăng quăng chiếu lệ từng đợt như một số nơi đã và đang làm.

NGUYỄN VĂN THƯỚC - Sở Khoa học Cà Mau

» Tin mới nhất:

» Tin khác: